Ba bài học từ quản lý đất công
Buông lỏng quản lý đất đai, tâm lý nhiệm kỳ dẫn đến vụ khiếu kiện, kéo theo những hậu quả khôn lường
Vụ án ở xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) xảy ra cách nay gần hai năm: Hai cán bộ xã và hai cán bộ xóm liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng bị kết án mỗi người 6-7 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Hậu quả của vụ án không lớn, nhưng nguyên nhân sâu xa lại bắt nguồn từ sự buông lỏng quản lý đất công, từ thái độ “làm việc theo tâm lý nhiệm kỳ” của cán bộ cơ sở.
Biến đất công thành đất riêng
Tháng 12/1999, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, (Thái Nguyên) ký quyết định giao “Tập thể xóm Làng Phan”, xã Linh Sơn quản lý, sử dụng 12,75 ha đất rừng. Tập thể hơn 140 hộ xóm Làng Phan khoán lại cho 10 hộ của xóm trông nom, trồng cây, hưởng 80% hoa lợi, còn 20% nộp vào quỹ xóm.
Trên giấy tờ là giao đất, giao rừng, nhưng thực tế bao năm qua chẳng ai ngó ngàng gì, và hơn chục hecta đất cứ thế bỏ không.
![]() |
Quản lý đất đai còn bị buông lỏng (Ảnh minh hoạ) |
Đến tháng 7/2008, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định thu hồi đất, giao Công ty Gang thép Thái Nguyên mở rộng dự án sản xuất, trong đó có hơn 11 ha đất thuộc quyền quản lý của xóm Làng Phan. Mảnh đất mênh mông cỏ hoang, cây tạp bỗng dưng có tiền “từ trên trời rơi xuống”. Thế là Trưởng xóm Làng Phan - Đinh Văn Vượng và Phó xóm Nguyễn Văn Mão cùng 10 hộ dân kia bàn bạc, làm văn bản “ủy quyền” cho hai ông đứng tên, kê khai, nhận tiền đền bù.
Theo thỏa thuận, 10 hộ dân, mỗi hộ tự nhận mình là chủ sử dụng 0,6 ha đất rừng. Riêng Vượng và Mão (mỗi người tự nhận 2,5 ha). Tổng cộng 11 ha bị thu hồi với số tiền được bồi thường là 985 triệu đồng.
Dù biết là không phải chủ sử dụng đất, nhưng Trưởng xóm Nguyễn Văn Mão đứng ra nhận toàn bộ tiền bồi thường, rồi chia đều cho 10 hộ (mỗi hộ 51 triệu). Tiền còn lại, Mão và Vượng chia nhau mỗi người trên dưới 150 triệu và chi “bồi dưỡng” cho Phạm Hoài Ân (cán bộ lâm nghiệp xã) và Nguyễn Văn Việt, (Phó chủ tịch xã) mỗi người 60 triệu đồng.
Theo ông Lương Đình Thảo, người được cử làm đại diện nhân dân xã Linh Sơn trong Ban giám sát chi trả đền bù giải phóng mặt bằng, thì việc 10 hộ dân tự ý kê khai để nhận tiền đền bù là không đúng đối tượng: “Thửa 39-40 có bìa xanh cho tập thể xóm Làng Phan do huyện cấp. Từ khi cấp tới giờ chưa có một quyết định giao cho cá nhân nào cả. Còn các hộ kia chỉ được hưởng quyền lợi là chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch cây. Thế mà các hộ đó lại nhận cả tiền đền bù đất, nhận tiền khai thác cây và nhận tiền đền bù. Nói chung là biến của tập thể thành cá nhân”.
Chia tiền đền bù tưởng như vậy là xong, nhưng bắt đầu từ đây, mâu thuẫn nảy sinh. 10 hộ dân do ông Nguyễn Văn Hiến đại diện cho rằng, những người được họ “ủy quyền” đã nhận phần hơn. Thế là cuộc kiện tụng bắt đầu. Các cơ quan bảo vệ pháp luật Thái Nguyên vào cuộc. Tháng 5/2010, 4 cán bộ bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, với mức án cho mỗi người từ 6-7 năm tù, mặc dù trước đó cả 4 người đã khắc phục hậu quả.
Quản lý theo kiểu “luật xóm”, lệ làng
Chị Nguyễn Thị Lan, một người dân xóm Làng Phan cho biết, chỉ đến khi vụ việc vỡ lở, hàng trăm hộ ở xóm Làng Phan mới hay và bày tỏ thái độ không đồng tình với việc xác định 10 hộ dân là người được hưởng tiền đền bù: “Tôi mong muốn rằng làm thế nào để sáng tỏ được, đất này có phải đất của Làng Phan hay không? Nếu đất của Làng Phan thì tại sao lại trở thành của 10 hộ?”
Bức xúc trước sự phi lý về đền bù chi trả, hơn trăm hộ dân xã Linh Sơn viết đơn gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đúng như kiến nghị của dân, Tòa phúc thẩm, Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã khẳng định: “Việc chi trả tiền đền bù, hỗ trợ của nhà nước khi thu hồi 12,75 ha đất lâm nghiệp cho 10 hộ dân là không đúng đối tượng, làm mất quyền lợi hợp pháp của cả tập thể xóm Làng Phan”; đồng thời tuyên hủy bản án sơ thẩm tháng 5/2010 của Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên để điều tra lại từ đầu.
Vụ án là bài học đắt giá đối với việc quản lý đất đai ở địa phương theo kiểu “luật xóm”. Đây cũng là vấn đề nổi cộm nhiều năm qua ở không ít địa phương; là nguyên nhân của nhiều vụ khiếu kiện dai dẳng trong những năm gần đây. Đất bỏ hoang nhiều năm thì dường như vô chủ, nhưng khi được đền bù, hoặc có giá trị, thì tranh chấp nảy sinh.
Trong vụ án này, phải kể đến kiểu “lệ làng”, bởi trong số 10 hộ đứng tên kê khai “đất công thành đất tư” thì có tới 9 người đã và đang là cán bộ từ Trưởng xóm đến Chủ nhiệm HTX qua các thời kỳ. Họ biết rõ hơn ai hết nguồn gốc 12,75 ha đất thuộc quyền quản lý, sử dụng của ai. Còn chính quyền xã đã buông lỏng quản lý đất đai kéo dài nhiều năm theo “tâm lý nhiệm kỳ”.
Ông Nguyễn Văn Việt, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã (là bị cáo trong vụ án) xót xa kể lại: Khi được bầu giữ chức Phó chủ tịch, ông chưa hiểu gì, bởi chỉ trong vòng hơn 1 năm, xã Linh Sơn ba lần thay đổi cán bộ địa chính và cán bộ phụ trách đất đai. Rồi hồ sơ năm này qua năm khác, chẳng mấy ai nhóm ngó. Ngay cả khi nhận chức phó chủ tịch xã, ông cũng chẳng được ai bàn giao sổ sách, giấy tờ về đất đai.
Trong cái “tâm lý nhiệm kỳ” đó cũng phải kể đến sự thiếu năng động, thiếu sâu sát của chi bộ đảng ở cơ sở thôn, xóm. Ông Lương Văn Sim, Bí thư Chi bộ xóm Làng Phan, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Đảng ủy xã Linh Sơn thừa nhận: “Vụ việc này tôi cũng không biết từ đầu, lúc quần chúng có đơn gửi chi bộ thì tôi mới được biết. Khi có đơn thư của quần chúng tôi mới đưa ra họp chi ủy, vụ việc mới vỡ lở ra. Đầu tiên chúng tôi cũng nghĩ là giải quyết nội bộ thôi cho nó hài hòa, nhưng mà rồi cũng không ổn…”.
Một vấn đề nữa đặt ra, đó là tình làng nghĩa xóm rạn nứt. Bao nhiêu năm, cái xóm Làng Phan hẻo lánh với những người nông dân chất phác, thật thà, sống với nhau êm thuận, nhưng từ khi có đền bù đã xảy ra kiện tụng. Điều trớ trêu là không khiếu kiện mức giá hoặc diện tích đất đền bù; không khiếu kiện việc chi trả sớm hay muộn, công khai hay lập lờ, mà lại kiện nhau vì… ăn chia không đều.
Hàng trăm người dân ở xã Linh Sơn viết đơn đòi quyền lợi của mình và kêu oan cho các cán bộ bị xử lý, thì 10 hộ kia dường như cô lập. Bao nhiêu quan hệ gia đình, dòng họ tốt đẹp từ trước tới nay bỗng trở nên mờ nhạt. Người dân càng bức xúc hơn khi việc xử lý của các cơ quan chức năng thiếu minh bạch, bởi ngay khi 4 cán bộ vi phạm trả lại hơn 400 triệu đồng vào công quỹ, thì không biết ai đã vội vàng quyết định lấy ngay số tiền đó chia đều cho 10 hộ?
Làm việc với chúng tôi, ông Phạm Sinh, Bí thư Đảng bộ xã Linh Sơn bày tỏ lo lắng khi mâu thuẫn nội bộ xuất hiện trong dân, ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an thôn xóm. Ông Phạm Sinh cho biết: “Riêng đối với trường hợp này, chúng tôi nghĩ rằng có xảy ra mâu thuẫn giữa hai bên. Nếu không làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền sẽ có mâu thuẫn sâu sắc đối với các hộ này. Chính vì thế quan điểm của Đảng ủy chúng tôi, đặc biệt là vai trò của cấp ủy Làng Phan, chúng tôi tập trung chỉ đạo riêng đối với chi bộ đó để làm tốt công tác tư tưởng đối với người dân”.
Vụ án này sẽ tiếp tục được xem xét trong thời gian tới. Từ vụ án này rút ra bài học sâu sắc đối với các cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cơ sở các vùng nông thôn, miền núi về công tác quản lý đất đai. Sự thận trọng ngay từ khâu kiểm đếm, kê khai, đền bù giải phóng mặt bằng không bao giờ thừa, bởi vụ án ở xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) xuất phát từ nguyên nhân buông lỏng quản lý đất đai, kéo theo những hậu quả mà không ai có thể lường trước./.