Hy sinh hạnh phúc riêng, nuôi cháu 30 năm bị bại liệt
Chuyện có thực giữa đời thường như một cổ tích về tình yêu, tình cảm gia đình, tình người lắng sâu và chan chứa yêu thương giữa đời thường…
- Về thăm nghĩa trang độc nhất vô nhị ở Việt Nam
- Hạ giá tour để giành giật khách Trung Quốc
- Cô Tô – miền biển xanh, cát trắng, nắng vàng…
Hơn ba mươi năm qua, người cô ấy không muốn lập gia đình, cứ ở vậy để lo lắng, chăm sóc cho đứa cháu họ bị bán thân bại liệt. Câu chuyện của người cô ấy đã lan truyền trong những câu chuyện của người dân thôn Thuận Yên Đông, xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, Quảng Nam như một câu chuyện cổ tích về tình yêu, tình cảm gia đình, tình người lắng sâu và chan chứa yêu thương giữa đời thường…
Họa vô đơn chí
Chúng tôi vào nhà, người phụ nữ mới gần 60 tuổi nhưng nhìn như một bà lão 80 tuổi vội vã đón khách bằng cái vẻ lúng túng của một người lâu lắm rồi không biết đến người lạ.
Anh Trương Kim Hạnh, cán bộ văn hóa xã Tam Sơn dẫn chúng tôi đến đây cũng tỏ vẻ ngại ngùng vì nhà không có chỗ ngồi. Trong nhà chỉ duy nhất có một chiếc giường, thì trên đó đã có người nằm. Ngoài ra còn một chiếc võng để một người khác ngủ…
![]() |
Bà Hồng bên người cháu bị bại liệt ba mươi năm qua |
Hỏi ra mới biết, người cháu đó cũng không phải là cháu ruột, chỉ là một người cháu họ xa của bà Hồng. Bà Hồng tâm sự: “Nó là đứa cháu họ đấy! Cha mẹ nó mất vì chiến tranh, hai cô cháu cứ rau cháo sống với nhau từ đó đến nay”.
Cứ thế, câu chuyện của bà Hồng kể về hoàn cảnh của mình trong những giọt nước mắt mặn mòi. Đây là một gia đình đặc biệt, vì nhà chỉ có 3 người, mà đều ở tuổi trên 50, trong đó có 2 người bị liệt hoàn toàn.
Cách đây 30 năm, là năm 1982 người cháu của bà Nguyễn Thị Hồng là Nguyễn Văn Sang (50 tuổi) không may bị tai nạn lao động đưa đi cấp cứu trong một lần đi kéo gỗ, bị gỗ đè gãy xương sống lưng.
Thời bấy giờ y tế còn khó khăn, chuyện điều trị cho những nạn nhân không may bị gãy xương sống là một điều cực kỳ khó khăn, mà gia đình thì lại không có tiền. Cứ thế người cháu phải nằm liệt trên giường từ đó đến nay.
Cuối năm 2010, tai hoạ lại tiếp tục ập đến, chị gái của bà là Nguyễn Thị Hạnh 65 tuổi đột nhiên bị tai biến dù đã đưa đi điều trị khắp nơi, tốn kém rất nhiều nhưng cuối cùng bà Hạnh vẫn nằm liệt một chỗ. Gia đình vốn đã nghèo khó nay lại còn khó khăn hơn gấp bội.
Kinh tế gia đình chỉ trông vào hai sao ruộng, ngoài ra không thể làm gì khác vì vùng bán sơn địa này vẫn thuộc diện nghèo của tỉnh, lại không có một nghề gì trong lúc nông nhàn. Bà Hồng cũng không thể lên núi đốn củi hay làm được việc gì khác vì sức khỏe bà cũng yếu, lại bị hỏng một mắt bên trái. Cái nghèo đeo đẳng mãi, khiến bà nhiều lúc tưởng chừng như không gượng dậy nổi…
Thương thay cũng một kiếp người
Tiếp xúc với chúng tôi trong căn nhà trống hoác không có một vật dụng gì, bà Hồng nói trong nước mắt “Gia đình tôi quá khó khăn, chồng không có, một mình tôi phải nuôi chị và cháu nằm liệt giường, thật sự tôi không biết phải xoay xở làm sao?!”.
Thấy gia cảnh bà Hồng khó khăn trăm bề, người dân trong thôn vẫn thường đến động viên chia sẽ, người giúp vài gói mỳ tôm, người giúp chai nước, vài lon gạo, chính quyền địa phương và các cấp các ngành của xã cũng đã đến hỗ trợ giúp đỡ. Nhưng vì điều kiện đời sống người dân trong xã và chính quyền vẫn còn vô vàn khó khăn nên sự giúp đỡ cũng chẳng được là bao. Ba mươi năm qua do bệnh tật quá hiểm nghèo và dai dẳng của hai người bệnh nên sự hỗ trợ không thấm vào đâu.
Để duy trì sự sống cho 2 người thân đang nằm liệt giường này, hằng ngày bà Hồng chỉ biết nấu mỳ tôm, nấu cháo muối, dùng nước sôi để nguội cho 2 người ăn và uống để sống qua ngày.
Chúng tôi trò chuyện với anh Sang, người cháu của bà Hồng. Cả cơ thể anh bây giờ chỉ như một khúc gỗ nằm bất động. Nửa thân dưới của anh hơn ba mươi năm chỉ dính trên chiếc giường tre ọp ẹp nên đã teo lại, khẳng khiu chỉ còn da và xương. Đôi tay anh chỉ cử động được một cánh tay trái, cánh tay còn lại cũng đã bị liệt từ đó đến nay.
Trên khuôn mặt hốc hác của anh, hai hàng nước mắt khó nhọc chảy ra khi nói chuyện với chúng tôi: “Ba mươi năm nay cô Hồng thương tôi lắm nên ở vậy để chăm sóc tôi. Tôi trở thành gánh nặng của người cô mình. Hơn ba mươi năm qua chỉ nằm một chỗ như thế này, chuyện ăn uống, lau rửa, đến cả việc đại tiểu tiện cũng phải nhờ vào cô! Nhiều đêm tôi thức, thấy cô nằm ngủ trên võng mà thương, muốn nhường chỗ cô nằm nghỉ cho đỡ đau lưng mà cũng không thể! Cả một đời cô phải khổ vì đứa cháu như tôi”.
Nói đến đây anh Sang khóc nấc lên, không thể tiếp tục câu chuyện được nữa. Bà Hồng thấy đứa cháu nói như vậy cũng khóc, rồi hai cô cháu ôm nhau cùng khóc. Quá thương tâm trước hoàn cảnh và tấm lòng của người cô này. Chúng tôi gửi cho bà Hồng 500.000 đồng, nói là để mua gạo, mua thức ăn.
Bà Hồng cầm tờ giấy bạc, hỏi lại: “Chừng ni là bao nhiêu hả chú! Có mua được năm cân gạo không?!”. Hóa ra, trong cái sự biết đến tiền của bà Hồng, chưa bao giờ bà được cầm một tờ bạc một trăm ngàn, chứ đừng nói gì đến số tiền nhiều hơn thế.
Cám cảnh, anh Nguyễn Kim Hạnh, cán bộ văn hóa xã vội lấy xe máy chạy vào trùng tâm xã mua về một bao gạo, phần tiền còn lại dúi vào tay bà Hồng với những tờ bạc mệnh giá 10.000 đồng, để bà Hồng biết mà…dễ chi dùng.
Anh Huỳnh Hùng, Chủ tịch xã Tam Sơn, huyện Núi Thành cho biết: “Hoàn cảnh nhà bà Hồng quả thực là quá khó khăn, một mình bà đã làm không đủ ăn nay còn phải nuôi thêm hai người bị liệt. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng có hình thức giúp đỡ để gia đình bà có thể vượt qua lúc khó khăn này”.
Tuổi bà Hồng đáng ra đã được nghỉ ngơi để hưởng tuổi già nhưng ngược lại, ngày đêm bà phải thức khuya, dậy sớm theo dõi, chăm sóc cho 2 người thân bị bệnh khiến bà cũng suy nhược theo.
Sau khi chúng tôi tìm đến nhà bà Hồng được mấy ngày, thì người chị gái bị bại liệt của bà cũng đã mất đột ngột. Số tiền hàng xóm giúp đỡ không đủ để lo chi phí ma chay nên bà phải cố gắng vay mượn thêm khắp nơi.
Đã khó lại gặp khốn trăm bề vì sức khỏe bà đã rất yếu, khó có thể chăm sóc người cháu bại liệt còn lại, trong khi bà Hồng không có một nguồn thu nhập nào ngoài hai sào lúa không có người làm nên bỏ không.
Trước hoàn cảnh rất đỗi ngặt nghèo này, rất mong nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ của các cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm để bà Hồng có thể yên phận tuổi già./.