Nỗi đau thời hậu chiến: Những đứa trẻ tật nguyền
Những đứa trẻ đấy, giờ đây đang phải sống chật vật với nỗi đau da cam mà đáng ra cuộc đời của các em không phải gánh chịu.
- Gần 3 tỷ đồng ủng hộ nạn nhân da cam
- Phó Chủ tịch nước tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam
- Triển lãm tranh kỷ niệm 51 năm thảm họa da cam/dioxin Việt Nam
33 năm sống đời thực vật
Theo địa chỉ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP Vũng Tàu, tôi đến nhà em Dương Thị Thu Hương (số nhà 71 Hàn Thuyên, phường Rạch Dừa).
Chưa kịp ngồi xuống ghế, tôi đã nghe tiếng uỳnh uỵch, rồi la toáng, rên ư ử phía sau nhà. Vội chạy xuống bếp, tôi thấy Hương đang trườn trên tấm phản, trượt té xuống đất, mắt trợn trừng, miệng sùi bọt mép, chân tay múa loạn xạ. Chị Nguyễn Thị Vòng (mẹ Hương) vội vàng bế con đặt vào ghế và đẩy ra phòng khách.
Chị Vòng kể: Năm 1981, chị sinh cháu. Vợ chồng mừng lắm. Thế nhưng niềm vui ấy chỉ tồn tại đến ngày thứ 13 thì vụt tắt. Tự nhiên, chị thấy người Hương đỏ như quả gấc và đi đại tiện phân trắng như nước vo gạo, ăn gì ra nấy.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Kim Vòng đút cháo cho con |
Vợ chồng chị sợ hãi, vội đưa cháu đi Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM. Khi ấy bác sĩ nói, Hương đã chết khai tử (tức là chết lâm sàng).
Khi bệnh viện trả về để gia đình lo hậu sự thì bỗng dưng Hương sống lại. Cả nhà mừng lắm. Vợ chồng động viên nhau “con mình bé nhỏ, chậm lớn là thường”.
Cũng từ đó cho đến nay, Hương cứ oặt ẹo như rễ khoai, mọi sinh hoạt không kiểm soát được. Theo thời gian, răng cháu bị mòn không nhai được cơm. Chủ yếu là uống sữa và ăn cháo loãng. Tất cả vệ sinh, ăn uống đều nhờ người giúp.
Nói đến đây, chị Vòng bật khóc!
Anh Dương Đức Duy – chồng chị cũng khóc theo. Anh Duy bảo: “Tất cả là do tôi. Tôi bị nhiễm chất độc da cam nên mới sinh ra đứa con tật nguyền như thế”.
Anh Duy nhớ lại: Năm 1965, anh xung phong lên đường nhập ngũ. Đầu năm 1966, anh đi chiến trường B, rồi chiến đấu trên các chiến trường miền Đông, miền Tây Nam Bộ.
Đã bao lần, anh và đồng đội hành quân xuyên rừng, tận mắt chứng kiến cả vạt rừng trụi lá. Đại đội mắc võng ngủ giữa rừng Trường Sơn. Sáng ra tóc người nào người đó đỏ hoe, trên đầu tăng võng đọng nước trắng đục như nước vo gạo.
Anh em hò nhau xuống suối tắm, gội đầu, có người đã uống luôn cả nước suối mà không hề biết dòng nước ấy đã bị Mỹ rải chất độc nhằm tiêu diệt nguồn nước sinh hoạt của bộ đội.
“Chất độc ấy ngấm sâu vào cơ thể tôi chưa đủ, mà còn gieo rắc lên đứa con đau khổ tội nghiệp này. Chất độc da cam đã tàn phá con tôi”, giọng anh Duy khàn đi theo dòng nước mắt.
Anh khóc. Những giọt nước mắt người cha từ bao ngày nén chặt trong lòng nay mới có dịp trào dâng. “Thôi thì đành chấp nhận. Gia đình tôi chỉ có một cháu bị nhiễm, có gia đình 3, 4 người, có dòng họ 3 đời bị nhiễm. Nỗi đau truyền kiếp này có gì bù đắp được”.
Nói về sức khỏe, sinh hoạt của cháu Hương, chị Vòng cho biết: “33 năm qua, tôi đút cháo cho cháu. Gia đình tôi làm riêng cho cháu một tấm phản để cháu lết trên đấy. Tất cả sinh hoạt phải có người giúp đỡ. Một ngày nó lên cơn 4-5 lần. Tôi đã xin nghỉ việc để chăm sóc cháu”.
Chị Vòng lo lắng: “Điều trăn trở nhất của vợ chồng tôi là khi chúng tôi già yếu chết đi, ai là người chăm sóc cháu, cháu sẽ sống ra sao!”.
Lay lắt giữa dòng đời
>> Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có 3.608 nạn nhân nhiễm chất độc da cam, trong đó có 1.738 nạn nhân nhiễm trực tiếp (ở TP Vũng Tàu 187 trường hợp; thị xã Bà Rịa 186, huyện Long Điền 472; huyện Đất đỏ 362; huyện Châu Đức 1.224; huyện Tân Thành 812...). |
Khi mới sinh ra, các em như hai cục bột, dễ thương như bao đứa trẻ khác. Nhưng chỉ hơn 1 tuần tuổi, tai các em tự nhiên mọc mụn rồi cuộn tròn như cục thịt. Cùng lớn lên với cái tai, cái mũi dị thường, chân tay khòng khèo, 16 tuổi mà các em như đứa lên 5.
Khi biết con bị nhiễm chất độc da cam, người bố đi biệt tích bỏ lại ba mẹ con vật vã giữa dòng đời. Cuộc sống cháo rau cứ lay lắt qua ngày. Các em biết thương mẹ, một buổi đến lớp học tình thương để tập nói, tập viết, một buổi đi chăn bò thuê cho người hàng xóm kiếm 5.000 đồng giúp mẹ mua gạo.
![]() |
Em Bùi Văn Tiến với cái tai và mũi cuộn tròn |
Hay em Hồ Văn Hoà (ấp Hoà Long, thị xã Bà Rịa) là một trường hợp nhiễm chất độc da cam/dioxin nặng. Nỗi đau hậu chiến để lại cho em là một thân hình dị dạng: Bụng dài hơn người, chân mọc đuôi như đuôi cá, mặc dù Hoà là một chàng trai có khuân mặt khôi ngô tuấn tú.
Hàng ngày em phải gồng mình chịu đau đớn hành hạ bởi những cơn đau đầu. Đã 21 năm, em làm bạn với chiếc giường ọp ẹp và những tấm hình cắt ra từ báo cũ gián trên liếp.
Do nằm lâu ngày, những chỗ thịt tiếp xúc với chiếu bị hoại tử chảy mủ hôi thối. Mẹ em phải thay băng hằng ngày. Mỗi lần có ai đến thăm, em chống hai tay gồng mình trườn về phía trước.
Ai cho em cuốn sách, tập thơ, mắt em sáng ngời mừng rỡ. Em không biết đi, không ngồi được, thế giới nhỏ bé của em là những cuốn sách nhi đồng, bài thơ cũ các bạn cho.
Ước mơ của em là có thêm sách truyện, thơ để đọc và kể cho các em hàng xóm nghe. Những đứa trẻ hàng xóm rất thích nghe anh Hoà đọc thơ, chúng gọi Hoà là nhà thơ tật nguyền.
Khi viết xong loạt bài này, tôi được tin Hòa không còn nữa. Giờ đây trong căn nhà nghĩa tình ở xóm Vườn Chuối ấp Hòa Long ấy, đang trở nên buồn lặng vì thiếu giọng thơ trong trẻo của "nhà thơ tật nguyền"./.